Trong tình hình chứng khoán thế giới có sự rung lắc mạnh mẽ, thì Việt Nam lại có vẻ khá vững vàng với đà tăng liên tục. Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần rồi ít có sự rung lắc. Dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ khiến doanh thu một số ngành hàng bán lẻ bị tổn thất nặng nề. Điều này trở thành vấn đề cấp thiết hiện nay, nó ảnh hưởng tiêu cực đến số liệu thống kê mang tính vĩ mô. Trong cập nhật mới nhất, VN30-Index dù bị thiếu hụt thanh khoản như điểm số trên sàn vẫn khá khả quan. Theo dõi bài viết để nắm rõ hơn về các tin tức chứng khoán phái sinh thời gian gần đây nhé!
Nền kinh tế lớn ra sức tạo lập thị trường mới
Các tuyên bố của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về khả năng nâng lãi suất và thu hẹp chương trình mua lại trái phiếu là yếu tố tác động chính gây nên sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu. Bitcoin – biểu tượng của dòng tiền đầu cơ thế giới – có lúc đã gãy khỏi mốc hỗ trợ quan trọng 30.000 USD.
Tuy nhiên, các nền kinh tế lớn cũng đang cho thấy những nỗ lực vượt bậc để tạo lập chỉ số chứng khoán và giữ vững tâm lý nhà đầu tư. Dưới góc độ kỹ thuật, chỉ số CSI 300 của Trung Quốc có 4 lần kiểm chứng đường trung bình 200 ngày thành công chỉ trong 4 tháng qua. Tương tự, chỉ số Dow Jones của Mỹ nhiều khả năng sẽ duy trì trên ngưỡng trung bình 50 phiên kể từ tháng 4/2020. Bước sang tuần mới, tâm điểm thông tin đối với thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ là số liệu GDP quý II/2021 dự kiến được công bố.
Với tình tình dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào tháng 5 và tháng 6, doanh thu ngành bán lẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến số liệu vĩ mô nói chung. Trong cập nhật mới nhất, Công ty Chứng khoán TP.HCM điều chỉnh giảm mức dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2021 từ 6,9% xuống 5,89%.
Phân tích kỹ thuật VN30-Index
Trong phiên giao dịch mới đây, VN30-Index đà ngừng trạng thái giằng co khi tăng mạnh với cây nến xanh cho thấy sự lạc quan đang trở lại. Bên cạnh đó, chỉ báo Relative Strength Index đang hướng về trendline tăng ngắn hạn đã được thiết lập từ trước và chỉ báo MACD đang về gần đường signal. Nếu chỉ báo này cho tín hiệu mua mới thì tình hình sẽ khả quan hơn.
Tuy nhiên, khối lượng giao dịch vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện khi nằm dưới mức trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy dòng tiền của chỉ số vẫn còn khá yếu. Nếu đà tăng này tiếp tục được duy trì thì VN30-Index nhiều khả năng sẽ hướng đến test vùng kháng cự gần nhất 1.530-1.550 điểm (tương đương ngưỡng Fibonacci Retracement 161,8%). Ngược lại, đường Middle sẽ là hỗ trợ gần nhất cho chỉ số nếu trạng thái điều tiếp tục diễn ra.
VN30-Index dừng ở mức điểm khả quan
Dù thị trường biến động không lớn, nhưng nhà đầu tư nhìn chung có tâm lý thận trọng trong tuần qua. Đồ thị phân tích kỹ thuật cho thấy, một tuần có 5 cây nến ngày thì VN30-Index xuất hiện 3 cây doji (thể hiện sự cân bằng cung – cầu) và một cây búa ngược (thể hiện sự áp đảo của bên bán). Khối lượng giao dịch cả tuần đạt 974 triệu đơn vị, thua xa mức đỉnh 1,4 tỷ đơn vị được xác lập vào đầu tháng 6.
Mặc dù vậy, trong xu hướng tăng trung và dài hạn, thị trường vẫn tìm ra cho mình lối đi mới. Lần lượt một số mã cổ phiếu ngân hàng như VCB, CTG, MBB… dẫn dắt thị trường và nhóm cổ phiếu chứng khoán như HCM, SSI bùng nổ trong phiên cuối tuần. Đây là điểm tựa quan trọng giúp VN30-Index đóng cửa tuần vượt 1.500 điểm. Nó đang tiệm cận trở lại và gây sức ép lên vùng đỉnh cũ 1.510 điểm.
Vào thời điểm này, dòng tiền chiến thắng đang là bên mua. Chỉ số VN30-Index gần đây liên tiếp tạo đáy sau cao hơn đáy trước. Nó đã hình thành mẫu hình tam giác cận trên bằng phẳng. Xu hướng trung và dài hạn tiếp tục được duy trì. Đây chính là mẫu hình tam giác tăng tiếp diễn quen thuộc.
Tâm điểm dừng tại “1.510”
Chiến lược “lạc quan nhưng không chủ quan” đã đem lại hiệu quả cho nhà đầu tư phái sinh. VN30F1M chủ yếu dao động tích lũy phía dưới 1.500 điểm. Tiếp tục duy trì được các mốc hỗ trợ kỹ thuật. Giá điều chỉnh về 1.470 điểm ngay trong phiên đầu tuần. Đây chỉ là cơ hội để mở vị thế mới với chiến thuật mua trong biên độ.
Có những thời điểm tâm lý nhà đầu tư bi quan, giá liên tục bật lại từ mốc 1.500 điểm. Nhưng cuối cùng sự lạc quan đã xuất hiện. VN30F1M đóng cửa tuần cao hơn VN30-Index 5 điểm.
Chiến lược tuần mới không thay đổi quá nhiều
Chiến lược cho tuần mới sẽ không có nhiều sự thay đổi. Xu hướng ngắn – trung – dài hạn duy trì tăng trưởng. Do đó, các vị thế mua được ưu tiên. Mốc kháng cự 1.510 điểm còn đó. Thanh khoản sụt giảm và số lượng hợp đồng giữ qua đêm (OI) ở mức thấp. Điều này cho thấy, dòng tiền vẫn chưa ủng hộ một pha vượt đỉnh và hưng phấn. Chiến lược giao dịch ngắn hạn là duy trì “Mua khi giá thấp – Chốt lời khi hồi phục”. Biên độ giao dịch được nâng lên 1.470 – 1.520 điểm.
Trong đó, ưu tiên mở vị thế mua khi giá điều chỉnh về vùng hỗ trợ vừa được kiểm chứng là 1.470 điểm. Chốt lời trong trường hợp giá phản ứng xấu với vùng kháng cự tiếp theo 1.510 – 1.520 điểm. Chốt lời, nhưng nhà đầu tư nên hạn chế mở vị thế bán. Bởi khi giá tạo mẫu hình tam giác với cận trên bằng phẳng thì áp lực của bên mua sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn.
Đối với chiến lược mua trung hạn có giá vốn tại 1.460 điểm. Nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ và nâng mốc cắt lỗ lên 1.460 điểm. Như vậy sẽ loại bỏ rủi ro thiệt hại vào vốn. Giữ tâm lý thăm dò, chờ đợi thị trường dao động tích lũy đến khi thời cơ thực sự chín. Sẽ chỉ tăng tỷ trọng nếu giá vượt hẳn qua vùng cản 1.510 – 1.520 điểm.
Một số thông tin giao dịch phái sinh tuần qua
Một lần nữa, bên giao dịch theo xu hướng lại chiếm ưu thế. Người viết không mở vị thế mới trong tuần giao dịch vừa qua. Tiếp tục duy trì vị thế mua trung hạn với giá vốn tại 1.460 điểm. Mức lợi nhuận khoảng hơn 40 điểm “giắt lưng”. Nhà đầu tư có thể yên tâm nắm giữ vị thế sang tuần mới.
Bức tranh kỹ thuật đang ngày càng rõ ràng, nhưng rủi ro vẫn tiềm ẩn. Dòng tiền thiếu chủ động (thanh khoản và lượng hợp đồng giữ qua đêm thấp). Kỳ vọng, hệ thống giao dịch mới của HOSE sẽ sớm được đưa vào vận hành. Đièu này sẽ giúp tháo nút thắt cho dòng tiền chờ mua.