Ngành điều nước ta trong nửa tháng đầu năm nay ghi nhận có sự tăng trưởng về tổng lượng xuất khẩu, song trị giá xuất khẩu lại không có nhiều “đột phá” như mong đợi. Theo nhận định của các chuyên gia, năm nay dự kiến là sẽ là một năm có nhiều biến động đối với thị trường xuất khẩu điều Việt Nam, liên quan đến các yếu tố về giá thành, giá cước, phương tiện vận chuyển,… Mặt hàng nông sản này có thể đối diện với nhiều khó khăn trong thời gian tới nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát ổn thỏa, đồng thời sẽ gây ra những áp lực cho các doanh nghiệp trong ngành nếu họ không có kế hoạch ứng phó kỹ càng trong bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.
Tổng quan tình hình xuất khẩu điều nửa đầu năm
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu điều trong tháng 6 đạt gần 60 nghìn tấn, giá trị gần 370 triệu USD, tăng 11% về lượng và tăng 14% về giá trị so với tháng 5. Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu điều đạt hơn 273,5 nghìn tấn, tương đương giá trị hơn 1,6 tỷ USD, tăng gần 22% về lượng và tăng 11% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020.
Giá xuất khẩu điều trong tháng 6 đạt gần 6.290 USD/tấn, không biến động nhiều so với tháng 5 và cùng kỳ năm 2020. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá xuất khẩu điều trung bình hạt điều đạt 5.978 USD/tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Những tháng đầu tiên của năm 2021, mặc dù khối lượng xuất khẩu hạt điều của Việt Nam tăng mạnh, song trị giá xuất khẩu lại theo chiều ngược lại. Tốc độ tăng trưởng sản lượng xuất khẩu cao hơn nhiều so với trị giá xuất khẩu. Do đó, kim ngạch xuất khẩu không tương xứng với mức tăng khối lượng. Dự báo xuất khẩu mặt hàng nông sản này trong thời gian tới vẫn còn không ít khó khăn. Hiện tại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát triệt để, tình hình xuất khẩu sẽ đối diện với nhiều thách thức hơn.
Thị trường các nước Việt Nam xuất khẩu điều
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu hạt điều sang hơn 31 quốc gia. Thế nhưng giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan chiếm đa số. Giá trị xuất khẩu của ba quốc gia này chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu điều.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu điều sang Mỹ đạt 83,5 nghìn tấn. Lượng xuất khẩu này tương đương hơn gần 463 triệu USD. Mức xuất khẩu tăng 6% về lượng, giảm 12% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Đồng thời chiếm gần 28% tổng kim ngạch xuất khẩu điều của cả nước.
Tính chung 6 tháng, xuất khẩu điều sang Trung Quốc đạt gần 40 nghìn tấn. Tổng trị giá tương đương 292 triệu USD. Xuất khẩu tăng 63% về lượng và tăng 85% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Đồng thời chiếm 18% tổng lượng xuất khẩu điều cả nước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu điều sang Hà Lan đạt 33,5 nghìn tấn. Lượng xuất khẩu này tương đương trị giá 168,5 triệu USD. Mức xuất khẩu tăng 17% về lượng và giảm 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Mặt khác, nó còn chiếm 10% tổng lượng xuất khẩu điều cả nước.
Thị trường điều sẽ có nhiều biến động
Một số chuyên gia trong ngành điều đánh giá, thị trường điều năm nay có nhiều biến động. Theo Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) tình hình logistics vẫn đang là gánh nặng của doanh nghiệp. Bởi mức giá cước vẫn tăng, thiếu tàu, tàu bị chậm. Những điều này khiến nhiều doanh nghiệp phải chờ gần một tháng mới xuất được hàng. Thế nên, thị trường điều sẽ có nhiều khả năng biến động. Nguyên nhân chính là do tâm lý lo ngại của cả nhà chế biến và xuất khẩu.
Do đó, doanh nghiệp cần bám sát thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp. Trong đó, cần có các phương án đối phó với những rủi ro có thể xảy ra. Hiện tại, các nước xuất khẩu điều thô đưa ra các chính sách hạn chế bán điều thô giá thấp. Vì thế, giá điều nguyên liệu năm nay nhìn chung tăng cao hơn năm trước. Đặc biệt, VINACAS cũng đưa ra một số khuyến cáo về việc tăng giá. Đặc biệt là đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, bối cảnh dịch COVID-19 ở các tỉnh diễn biến phức tạp. Do đó, các doanh nghiệp chế biến không nên đẩy giá điều nguyên liệu tăng cao. Như thế sẽ tạo ra rủi ro rất lớn.
Giá điều nhân chưa tăng kịp vì nhiều nguyên nhân. Điển hình như cước logistics cao, COVID-19 dẫn đến vận chuyển nội địa khó khăn. Ngoài ra còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như: khan hiếm dụng cụ sản xuất, nhà máy chế biến đình trệ,…