Thị trường Nga còn nhiều tiềm năng phát triển cho ngành chè Việt Nam

Thị trường Nga còn nhiều tiềm năng phát triển cho ngành chè Việt Nam

Từ đầu năm 2021 đến nay, tổng số lượng và trị giá nhập khẩu chè tại Nga đang có xu hướng phục hồi mạnh mẽ trở lại với mức tăng trưởng đáng kể so với thời kỳ “suy thoái” trong giai đoạn 2016-2020. Việt Nam là một trong những thị trường nhập khẩu khá lớn của nước này, tuy nhiên “miếng bánh” thị phần của nước ta đã “vơi đi” trong khoảng 4 tháng đầu năm nay khi Nga giảm mạnh số lượng và giá trị nhập khẩu chè từ Việt Nam khiến cho tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam tại thị trường Nga bị suy giảm. Tuy vậy, Nga vẫn được nhận định là một trong những thị trường tiềm năng của ngành chè nước ta khi được đánh giá còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp khai thác và phát triển.

Nhu cầu nhập khẩu chè của Nga

Trước đó, theo ITC  trong giai đoạn năm 2016 – 2020 nhập khẩu chè của Nga có xu hướng giảm, tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn này giảm 1,9% về lượng và giảm 6,8% về trị giá. Trong năm 2020, nhập khẩu chè của Nga đạt 151.500 tấn, trị giá 412,6 triệu USD, giảm 7,9% về lượng và giảm 24,8% về trị giá so với năm 2016. Giá trung bình chè nhập khẩu của Nga trong giai đoạn năm 2016 – 2020 giảm dần từ 3.335,1 USD/tấn trong năm 2016, xuống còn 2.723,2 USD/tấn trong năm 2020.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong 4 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu chè của Nga có dấu hiệu phục hồi, đạt 52.300 tấn, trị giá 152,2 triệu USD, tăng 4,8% về lượng và tăng 13,4% về trị giá. Giá nhập khẩu chè bình quân của Nga đạt hơn 2.907 USD/tấn, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Thị trường nhập khẩu chè của Nga

Nga tăng mạnh nhập khẩu chè từ nhiều thị trường chính trong 4 tháng đầu năm 2021, trong khi đó giảm mạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Về chủng loại, Nga nhập khẩu nhiều nhất là chủng loại chè đen. Trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 47.900 tấn, trị giá 137,5 triệu USD. Mức nhập khẩu tăng 4,2% về lượng và tăng 12,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè đen nhập khẩu bình quân đạt 2.871,9 USD/tấn, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Thị trường xuất khẩu chè của các nước sang Nga trong 4 tháng đầu năm 2021.

Ấn Độ, Kenia, Sry Lanka là 3 thị trường cung cấp chính mặt hàng chè đen cho Nga. Tỷ trọng nhập khẩu chè từ 3 thị trường này chiếm 68,7% về lượng và chiếm 71,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là chủng loại chè xanh đạt 4.500 tấn, trị giá 14,7 triệu USD. Con số này tăng 10,7% về lượng và tăng 19,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc là thị trường cung cấp chính chủng loại chè xanh cho Nga. Tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 84,4% tổng lượng chè xanh nhập khẩu của Nga

Nhập khẩu chè từ Việt Nam đạt 4.000 tấn, trị giá 6,7 triệu USD. Giá trị nhập khẩu giảm gần 19% về lượng. Đồng thời còn giảm 15,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè nhập khẩu từ Việt Nam ở mức 1.684,4 USD/tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 10,6%, giảm 3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng quan thị trường xuất khẩu chè Việt Nam

Cục Xuất Nhập khẩu cho biết, trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu chè đạt 58,1 nghìn tấn. Tổng trị giá là 94,9 triệu USD. Mức xuất khẩu tăng 0,3% về lượng và tăng 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong nửa đầu năm 2021 đạt 1.632,9 USD/tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong nửa đầu năm 2021 chè của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Pa-ki-xtan, thị trường Đài Loan và Nga. Lượng xuất khẩu tới 3 thị trường này chiếm 55,4% tổng lượng chè xuất khẩu. Trong đó, lượng và trị giá xuất khẩu tới Pa-ki-xtan và thị trường Đài Loan tăng trưởng khá. Tuy nhiên, mức xuất khẩu sang Nga lại giảm.

Xuất khẩu chè Việt Nam 2021 sang Nga giảm

Theo Cục Xuất nhập khẩu, chủng loại chè xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Nga là chè sơ chế ở dạng thô. Chúng có chất lượng không cao. Ngoài ra, chè còn có mức giá thấp. Thế nên mặc dù khối lượng xuất khẩu khá lớn nhưng trị giá vẫn ở mức thấp. Do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào dây chuyền sản xuất. Mục đích là để đưa các sản phẩm chè sơ chế vào chế biến. Đồng thời cần xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp. Qua đó giúp tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Thị trường Nga còn nhiều dư địa phát triển

Hiện tại, nhu cầu nhập khẩu chè có xu hướng giảm mạnh. Nguyên nhân là do xu hướng tiêu dùng của người Nga có sự thay đổi. Tuy vậy, Nga vẫn là thị trường tiềm năng. Đây là quốc gia nhập khẩu chè lớn thứ ba thế giới về trị giá nhập khẩu trong năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu chè của Nga chiếm 6,2% tổng trị giá nhập khẩu chè trên toàn cầu. Thế nên, đây vẫn là một trong những thị trường tiềm năng của ngành chè Việt Nam.

Thị trường Nga còn nhiều tiềm năng khai thác cho ngành chè Việt Nam

Trong khi đó, trị giá và lượng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn thấp. Do đó vẫn còn rất nhiều cơ hội trong thời gian tới. Các doanh nghiệp xuất khẩu chè có thể tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu tới thị trường Nga. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU cũng có tác động tích cực. Nó sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam sang thị trường này. Cụ thể là khi thuế suất về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *