Giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021, thị trường xuất khẩu thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng đang trên đà phục hồi tăng trưởng khả quan. Mặc dù chỉ mới khởi sắc, vẫn chưa tăng trưởng mạnh mẽ nhưng đã tạo ra những tín hiệu tích cực trong thời gian tới. Nhu cầu nhập khẩu tôm ở các nước trên thế giới được dự báo có xu hướng tăng trưởng trở lại vào khoảng nửa cuối năm nay, đặc biệt là ở những thị trường lớn và có nhiều dư địa phát triển cho ngành tôm Việt Nam như châu Âu, Mỹ,… Bên cạnh đó, những ưu thế từ các Hiệp định thương mại tự do đang có hiệu lực theo thời gian sẽ tạo “bàn đạp” thúc đẩy tốc độ tăng trưởng cho xuất khẩu tôm sang các thị trường các nước trên thế giới.
Tổng quan về thị trường tôm Việt Nam
Theo Tổng cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm, sản lượng tôm nước lợ đạt 371 nghìn tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó sản lượng tôm sú đạt 113 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 258 nghìn tấn.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết trong tháng 6, thị trường tôm nguyên liệu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có xu hướng giảm, đặc biệt với tôm sú do nguồn cung dồi dào. Tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg giảm 40.000 đồng/kg so với tháng trước xuống còn 200.000 đồng/kg, cỡ 30 con/kg giảm 10.000 đồng/kg còn 180.000 đồng/kg, cỡ 40 con/kg giảm 5.000 đồng/kg còn 140.000 đồng/kg.
Trong khi giá tôm thẻ ướp đá sau khi giảm khá mạnh tháng trước đã tăng trở lại. Tôm thẻ cỡ 60 con/kg tăng 13.000 đồng/kg lên 113.000 đồng/kg. Tôm thẻ cỡ 70 con/kg tăng 10.000 đồng/kg lên 108.000 đồng/kg. Đối với tôm cỡ 100 con/kg thì giảm 3.000 đồng/kg còn 83.000 đồng/kg.
Tại ĐBSCL, phần lớn các ao tôm thẻ cỡ 80 con/kg và lớn hơn vẫn chưa phục hồi so với tháng trước. Nguyên nhân là do đã thu hoạch trong tháng 5. Từ đó dẫn đến nguồn cung giảm vào đầu tháng 6. Thêm vào đó, các nhà máy vẫn có nhu cầu cao với các cỡ này. Thế nên đồng loạt tăng giá thu mua dẫn đến giá tôm thẻ ướp đá đi lên từ cuối tháng 5.
Tình hình xuất khẩu tôm
Số liệu thống kê của VASEP, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng năm đạt 1,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm sang khối CPTPP đạt 483 triệu USD. Giá trị xuất khẩu tăng 14%, chiếm 28% tổng giá trị xuất khẩu tôm. Cùng đà tăng, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt gần 440 triệu USD. Con số này tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm sang EU đạt 255,5 triệu USD. Điều này tương đương với việc tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu sang các thị trường chính, trừ Trung Quốc đều tăng trưởng tốt. Đây là nỗ lực lớn của doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện cho đến nay.
Dự báo thị trường trong thời gian tới
Cục nhận định trong nửa đầu năm nay, thị trường thủy sản thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng. Trong đó, Việt Nam cũng không ngoại lệ do tình hình phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới tình hình sẽ khả quan hơn. Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam sẽ có biến chuyển tích cực. Bởi hiện tại, các nước nhập khẩu kiểm soát được dịch bệnh. Ngoài ra còn có sự cộng hưởng của các Hiệp định thương mại tự do. Các hiệp định này đang có hiệu lực theo thời gian.
Cụ thể, nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở những thị trường lớn. Trong khi nguồn cung tôm từ một số quốc gia khác sẽ giảm. Điển hình như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác. Nguyên nhân là do chịu tác động xấu từ dịch COVID-19. Mặc dù vậy, trong ngắn hạn, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho rằng xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 7, dự kiến tốc độ tăng trưởng hiện tại sẽ giảm nhẹ do tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước diễn biến phức tạp và biến chủng Delta phát triển trên thế giới.
Tuy nhiên, dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam trong những tháng tiếp theo vẫn tăng trưởng tốt. Nguyên nhân là do nước ta được hưởng nhiều lợi thế từ FTA. Đồng thời đảm bảo được sự ổn định trong nuôi trồng và sản xuất khi kiểm soát tốt dịch COVID-19.