Cao su là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng và giàu tiềm năng kinh tế của nước ta. Phần lớn các chủng loại cao su của nước ta trong nửa đầu năm nay đều xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng mạnh và vượt trội hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Theo các số liệu thống kê cho thấy, cả lượng và trị giá xuất khẩu cao su sang các thị trường chính đều tăng trưởng tốt, giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành cao su Việt Nam và mở rộng phạm vi chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo các chuyên gia dự báo, giá cao su sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới, song với tốc độ tăng trưởng hiện tại của xuất khẩu cao su Việt Nam thì hoàn toàn có thể kỳ vọng vào những tín hiệu lạc quan.
Xuất khẩu cao su Việt Nam tăng mạnh
Xuất khẩu cao su của Việt Nam sang các thị trường lớn đều tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021 nên đã mang về tổng giá trị xuất khẩu tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 6/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 163.280 tấn, trị giá 275,4 triệu USD, tăng 97,3% về lượng và tăng hơn 92% về trị giá so với tháng 5/2021; so với tháng 6/2020 tăng 19,7% về lượng và tăng 69,6% về trị giá.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su đạt 714.320 tấn. Tổng trị giá 1,2 tỷ USD. Tỷ lệ tăng 48,2% về lượng và tăng 88,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Về giá xuất khẩu, trong tháng 6/2021, giá cao su xuất khẩu bình quân ở mức 1.687 USD/tấn, giảm 2,6% so với tháng 5/2021, nhưng tăng 41,7% so với tháng 6/2020.
Thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam
Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 71% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước. Tổng xuất khẩu đạt 115.900 tấn, trị giá gần 189 triệu USD. Số liệu này tăng 121,8% về lượng và tăng hơn 119% về trị giá so với tháng 5/2021. Đồng thời tăng 6,4% về lượng và tăng 47,7% về trị giá so với tháng 6/2020.
Giá bình quân xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc ở mức 1.630 USD/tấn. Giá trị xuất khẩu giảm 1,2% so với tháng 5/2021. Tuy nhiên, kết quả này lại tăng 38,8% so với tháng 6/2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 491.630 tấn mặt hàng này. Tổng trị giá sản lượng xuất khẩu 793,76 triệu USD. Con số tăng gần 45% về lượng và tăng 82,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài ra, xuất khẩu sang các thị trường lớn đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sang một số thị trường tăng mạnh. Trong đó, Ấn Độ tăng gần 64% về lượng và 106% về giá trị. Xuất khẩu sang Mỹ tăng 77% về lượng và 124,3% về giá trị. Thị trường Sri Lanka tăng 181,7% về lượng và 278,5% về giá trị. Pakistan tăng 286,6% về lượng và 396,8% về giá trị,…
Giá cao su có thể biến động trong thời gian tới
Nhu cầu cao su tự nhiên tăng nhờ kinh tế Mỹ, châu Âu và Anh phục hồi tốt hơn dự kiến. Tuy nhiên, giá cao su chịu tác động giảm khi thị trường dầu mỏ thế giới giảm. Nguyên nhân do lo ngại khả năng bổ sung nguồn cung trong thời điểm số ca mắc COVID-19 tăng nhanh. Điều này có thể dẫn tới các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch. Từ đó làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá thành lên cao.
ACBS kỳ vọng giá cao su cho năm 2021 có thể tăng trưởng tốt hơn. Điều này sẽ tạo tác động tích cực lên các nhà sản xuất cao su. Đồng thời bù đắp sự sụt giảm về sản lượng khi nguồn cung dự báo thiếu hụt sắp tới. Với xu hướng giá dầu tăng, giá cao su có thể tăng trở lại, trong bối cảnh nguồn cung nhiều khả năng khan hiếm. Các công ty sản xuất cao su Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ giá cao su cao.